Hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các tỉnh miền đông nam bộ; Bởi khu vực này đang phát triển năng động nhất trong cả nước, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư; Do đó, nhu cầu về lao động ngày một cao nhưng để tuyển dụng và thu hút nguồn lao động lại là bài toán khó cho doanh nghiệp và dịch vụ cho thuê lại lao động được sinh ra để phục vụ nhu cầu này cho các doanh nghiệp.
Nội dung bài viết
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang rất ưa chuộng sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động bởi dịch vụ cho thuê lại lao động đã mang đến rất nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động cũng đang gặp một số bất cập trong việc kinh doanh dịch vụ này, cụ thể như:
Trước khi “Bộ luật lao động năm 2019” được ban hành thì hoạt động cho thuê lại lao động được diễn ra một cách tự phát mà vẫn chưa được quy định pháp luật điều chỉnh, nhưng “Bộ luật lao động năm 2019” đã điều chỉnh hoạt động này. “Bộ luật lao động 2019” đã có những quy định về cho thuê lại lao động của doanh nghiệp, xử lý vi phạm quy định về cho thuê lại lao động cũng như quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động và của người lao động thuê lại tuy nhiên vẫn còn một số quy định vẫn chưa được làm rõ:
Thứ nhất, về thời hạn của Giấy phép
Theo quy định, Giấy phép có thời hạn tối đa không quá 36 tháng và được gia hạn tối đa là 02 lần, mỗi lần không quá 24 tháng. Như vậy, một doanh nghiệp thỏa mãn đủ điều kiện theo quy định sẽ được phép kinh doanh ngành nghề cho thuê lại lao động tối đa là 07 năm. Việc khống chế thời gian như vậy thật sự gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi lẽ thời gian 7 năm không phải là dài, đây có thể mới chỉ là khoảng thời gian đủ để cho một doanh nghiệp định vị và xây dựng được thương hiệu được trên thị trường. Đến khi doanh nghiệp bắt đầu ổn định hoạt động và chuyển sang giai đoạn phát triển thì lại buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ này vì thời gian được phép hoạt động trong lĩnh vực này theo quy định đã hết.
Luật doanh nghiệp không quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp một khi đã đăng ký kinh doanh hợp pháp với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ được phép hoạt động vô thời hạn trừ trường hợp giải thể hoặc phá sản. Đối với với trường hợp khác có quy định về thời hạn hoạt động như văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, theo quy định giấy phép thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện có thời hạn 05 năm và có thể được gia hạn thêm 05 năm, không hạn chế số lần gia hạn. Có nên chăng những nhà làm chính sách xem xét bỏ quy định về giới hạn số lần được gia hạn đối với giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động để các doanh nghiệp muốn kinh doanh trong lĩnh vực này yên tâm đầu tư, gắn bó với loại hình dịch vụ mới mẻ này.
Thứ hai, thời hạn cho thuê lại lao động
Theo quy định, thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng. Đứng ở góc độ bên thuê lại lao động, quy định doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động (với bên thuê lại mà người lao động thuê lại mà hợp đồng thuê vừa hết thời hạn) là không hợp lý bởi lẽ dù đi thuê lại lao động nhưng tâm lý người sử dụng lao động thuê lại cũng mong muốn có nguồn nhân sự ổn định, dài hạn để có thể xử lý tốt nhất công việc tại doanh nghiệp của mình. Đặc biệt, đối với các công việc xử lý các vấn đề tài chính, thuế hay vận hành, sửa chữa máy móc, doanh nghiệp nào cũng mong muốn có nhân sự hiểu rõ về các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, chuyên ngành hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, cơ chế vận hành máy móc để có thể giải quyết công việc trơn tru, nhanh chóng, tránh mất thời gian đào tạo lại nhân sự.
Một điều cũng chưa được rõ là nếu người lao động đã làm việc 12 tháng như đã nói ở trên sang ký hợp đồng lao động với một công ty cho thuê lao động khác để trở lại làm việc cho công ty đi thuê lại lao động mà trước đây người lao động đã làm việc 12 tháng rồi thì có được hay không?
Thứ ba, kỷ luật và trách nhiệm bồi thường thế nào?
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì trong trường hợp người lao động cho thuê lại có hành vi vi phạm kỷ luật tại nơi làm việc (bên thuê lại lao động) thì bên thuê lại lao động có quyền trả người lao động lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để doanh nghiệp cho thuê lại lao động xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, ngay cả khi bên thuê lại lao động đã được bên thuê lại lao động cung cấp chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại, doanh nghiệp cho thuê lại lao động cũng rất khó để kỷ luật người lao động nếu hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại bên thuê lại lao động không được quy định trong nội quy của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được rất nhiều người lao động, đặc biệt là người lao động thuê lại rất quan tâm, chờ đợi là việc giải quyết bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuê lại như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa được quy định cụ thể. Nghị định 55 mới chỉ quy định một trong các trường hợp không được cho thuê lại lao động là “doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động thuê lại với bên thuê lại lao động” mà chưa có chế tài xử lý trong các trường hợp các bên ký hợp đồng mà không có điều về khoản trách nhiệm bồi thường nêu trên hoặc quy định không rõ ràng trách nhiệm của bên nào. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.
Tóm lại, việc luật hoá hình thức “cho thuê lại lao động” sẽ góp phần tạo thêm kênh giải quyết việc làm, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả; điều tiết thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để việc cung ứng và sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động có thể thực hiện được trên thực tế và phát huy những tác dụng của nó, các nhà làm chính sách cần xem xét để có những hướng dẫn, thậm chí là sửa đổi, bổ sung phù hợp để các bên có liên quan, từ bên thuê lại lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại yên tâm.